[Hướng Dẫn] Cách rửa tay đúng để phòng tránh bệnh lây nhiễm

rửa tay đúng cách

Có nhiều cách phòng tránh lây nhiễm Virut corona. Trong đó biện pháp rửa tay là điều rất quan trọng . Vậy cách rửa tay như thế nào là hiệu quả và tốt nhất . Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé !

Thế giới đang vật lộn với chủng virus corona mới, hiện đã lây lan từ Trung Quốc sang ít nhất 22 quốc gia khác.

Quy trình rửa tay đúng cách diệt Virus corona  để phòng bệnh

Nhiều người rửa tay thường xuyên trước khi làm bất cứ việc gì, nhưng thực chất việc rửa tay đó không có tác dụng diệt khuẩn vì chỉ rửa tay với nước. Vậy rửa tay như thế nào cho đúng?

vi khuẩn ở bàn tay
Bàn tay là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất?

Mỗi cm2 trên bàn tay chúng ta chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay – chân – miệng… Cách tốt nhất để các vi khuẩn này không vào được cơ thể hay phát tán chính là vệ sinh đôi tay.

Rửa sạch tay đúng cách chỉ mất 30 giây, vậy mà chỉ có 12 – 14% dân số rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống. Phải chăng việc rửa sạch tay quá khó?

Sự cần thiết của việc rửa tay

  • Theo số liệu điều tra, có tới 84-88% dân số không rửa tay với xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh.
  • 74% bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi không rửa tay xà phòng trước khi cho con ăn
  • Trong 100 người trưởng thành (tuổi 15-60), chỉ 1,5 người rửa tay sau khi chăm người ốm.
  • Chỉ có gần 53% học sinh rửa tay với xà phòng sau đại tiện.
  • Đặc biệt, tỷ lệ người rửa tay sau khi chơi với vật nuôi, dọn dẹp chuồng trại gia cầm, gia súc, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác… vẫn còn rất thấp.

Bề mặt bàn, ghế, phương tiện, dụng cụ, đồ chơi, quần áo, sàn nhà, tường nhà, tay nắm cửa… chứa hàng triệu vi khuẩn gây bệnh. Các vi khuẩn này nhiều hơn, mạnh hơn khi người bệnh bắt đầu “thải” các cơ chất như dịch tiết đường hô hấp, đường tiêu hóa, phân có chứa tác nhân gây bệnh ra ngoài môi trường. Và kẻ “giúp” vi khuẩn gây bệnh tới được miệng của người lành hay tiếp tục phát tán ra nhiều bề mặt môi trường dụng cụ khác chính là đôi bàn tay.

Nguyên tắc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như: Virus corona, cúm, SARS, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng…

Là quản lý tốt ca bệnh và cắt đứt đường lây truyền. Có rất nhiều cách để cắt đứt sự lan truyền của vi khuẩn gây bệnh. Nhưng đơn giản, hiệu quả và kinh tế nhất chính là rửa tay với xà phòng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ một động tác rửa tay với xà phòng đã làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy.

Hiện nay, rất nhiều căn bệnh truyền nhiễm vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, vệ sinh tay – được đánh giá có tác dụng tương đương với vắc-xin phòng bệnh – là việc làm cần thiết của tất cả mọi người. Đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người bệnh càng cần chú trọng đến vệ sinh tay. Bởi hệ miễn dịch của các đối tượng này yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công. Những người làm các công việc tiếp xúc với nhiều người, nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ, cô nuôi, bảo mẫu trong các trại trẻ, trường mầm non, mẫu giáo… cũng rất cần có ý thức vệ sinh tay.

Nhận thức đúng đắn về vai trò của vệ sinh tay và tích cực thực hiện vệ sinh tay là điều thiết thực nhất vì một cuộc sống tốt đẹp.

Chúng ta có thể vệ sinh tay bất cứ lúc nào, nhưng không thể bỏ qua các thời điểm sau: trước khi thực hiện thao tác sạch. (trước khi ăn, trước khi lau mặt, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn…);. Sau khi thực hiện thao tác mà bàn tay đã bị hoặc có khả năng bị nhiễm bẩn (sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, sau khi đổ bô, sau khi đổ rác, sau khi ho, hắt hơi mà lấy tay che miệng, sau khi lau nhà…).

Người lớn nên rửa tay ít nhất 6 lần/ngày. Trẻ em rửa tay nhiều hơn, nhất là khi có sự thay đổi môi trường như từ trường về nhà, từ nhà đến trường, đi xe công cộng.

Nói đến rửa tay, ai cũng nghĩ đơn giản, nhưng trên thực tế thì rất ít người rửa tay đúng cách. Nhiều người rửa tay thường xuyên trước khi làm bất cứ việc gì. Nhưng thực chất việc rửa tay đó không có tác dụng diệt khuẩn vì chỉ rửa tay với nước. Cũng có nhiều người rửa tay với xà phòng, nhưng lại bỏ qua những vùng “kín đáo” trên bàn tay như các kẽ ngón tay, các đầu ngón tay, ngón tay cái và móng tay.

Hướng dẫn rửa tay đúng cách theo chuẩn của WHO

Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, có tới 95% người không rửa tay đúng cách và đủ lâu để tiêu diệt các vi khuẩn gây hại, theo một nghiên cứu mới tiến hành tại Mỹ.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Michigan đã huấn luyện hơn 10 sinh viên kín đáo quan sát và thu thập dữ liệu về hành vi rửa tay trong phòng vệ sinh ở các quán bar, nhà hàng và những nơi công cộng khác tại địa phương.

Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) khuyến cáo

  • Mọi người nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong 15 – 20 giây. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, tính trung bình, những người dùng nhà vệ sinh chỉ rửa tay khoảng 6 giây. Chỉ có 5% người rửa tay trong 15 giây hoặc lâu hơn.
  • Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, chỉ có một nửa số nam giới dùng nhà vệ sinh sử dụng xà phòng và có tới 15% cánh mày râu chẳng hề rửa tay. Con số này ở phụ nữ lần lượt là 78% và 7%. Điều này củng cố quan niệm lâu nay rằng, phụ nữ dường như sạch sẽ hơn nam giới trong khâu giữ vệ sinh thân thể.
  • Các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm rằng, mọi người sẽ ít khả năng rửa tay hơn khi đối mặt với một chiếc bồn rửa cáu bẩn. Ngược lại, một chiếc bồn rửa sạch sẽ sẽ làm tăng thời gian mọi người vệ sinh bàn tay của họ. Mọi người cũng nhiều khả năng sẽ rửa tay sớm hơn trong ngày và nếu có biển báo khuyến khích họ làm việc đó. Khám phá này ám chỉ, các biển báo khuyến khích như vậy có thể đặc biệt hữu ích tại những nhà vệ sinh dành cho nam.
  • Trung tâm CDC cho biết, rửa tay là một trong những cách hữu hiệu nhất để loại bỏ sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Tay bẩn ước tính đã góp phần dẫn tới 50% các vụ bùng phát dịch bệnh liên quan đến thực phẩm suốt thời gian qua.

5 trường hợp dưới đây, mọi người cần rửa, vệ sinh tay

Theo đó, trong 5 trường hợp dưới đây, mọi người cần rửa, vệ sinh tay
5 trường hợp mọi người cần rửa, vệ sinh tay

– Trước khi tiếp với người bệnh;

– Trước khi làm thủ thuật vô trùng;

– Sau khi tiếp xúc với máu và dịch cơ thể;

– Sau khi tiếp xúc với người bệnh;

– Sau khi chạm vào đồ vật hoặc bề mặt xung quanh người bệnh.

Vậy rửa tay như thế nào cho đúng?

Cách rửa tay đúng là theo quy trình vệ sinh tay thường quy do Bộ Y tế ban hành với 6 bước cơ bản

quy trình rửa tay
Quy trình vệ sinh tay thường quy do Bộ Y tế ban hành với 6 bước cơ bản

Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 – 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.

Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).

Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.

Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.

Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.

Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.

Thời gian vệ sinh tay tối thiểu cho cả quy trình là 30 giây.

Muốn việc vệ sinh tay thực sự trở thành một thói quen tốt của mọi người thì ngoài việc tuyên truyền tác dụng của việc rửa tay, phương tiện vệ sinh tay đầy đủ, sẵn có là điều kiện tiên quyết. Các phương tiện vệ sinh tay bao gồm: bồn rửa/chậu rửa; nước sạch; xà phòng (dung dịch xà phòng nếu có điều kiện); khăn khô sạch hoặc giấy lau tay; hộp đựng giấy/khăn sạch; thùng/sọt thu gom khăn/giấy sau khi sử dụng.

Ngoài phương pháp rửa tay, đây là những mẹo để giữ sạch tay, tránh vi khuẩn xâm nhập cơ thể:

  1. Cố gắng đừng chạm tay lên mặt để hạn chế khả năng vi khuẩn vào cơ thể qua mũi hoặc miệng.
  2. Đôi khi nước không đủ nóng để diệt vi khuẩn nên theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, rửa tay bằng nước nóng hay nước lạnh không quan trọng.
  3. Dung dịch rửa tay khô không hiệu quả bằng xà phòng và nước. Tuy nhiên trong trường hợp không có xà phòng, dung dịch rửa tay khô là giải pháp thay thế phù hợp.
  4. Nếu sử dụng dung dịch rửa tay khô, đảm bảo nồng độ cồn của nó ít nhất là 60%. Khi sử dụng, chà dung dịch đều lên khắp bàn tay và ngón tay rồi để tự khô.
  5. Nếu không có xà phòng lẫn dung dịch rửa, có thể dùng khăn giấy ướt để làm sạch tay. Mùa đông là thời điểm nên giữ khăn giấy ướt bên người.
  6. Luôn rửa sạch tay trước khi dọn thức ăn hoặc vào bữa ăn, sơ cứu vết thương, chăm sóc người bệnh, gắn hoặc tháo kính áp tròng (lens).
  7. Luôn rửa sạch tay sau khi dọn thức ăn, đi/dọn nhà vệ sinh, thay tã, chạm vào động vật, gia súc hoặc chất thải, ho hoặc hắt hơi, sơ cứu vết thương, chăm sóc người bệnh, dọn rác, cho thú cưng ăn hoặc dọn “bãi” của thú cưng.

Lợi ích của việc rửa tay, vệ sinh tay hàng ngày các bạn đã biết. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường thì “Rửa tay” lại càng quan trọng. Hãy bảo vệ mình và người thân bằng những việc nhỏ nhất, thực hiện nghiêm chỉnh các bạn nhé. Hãy chia sẻ bài viết đến mọi người để cùng thực hiện nhé. Vì sức khỏe cộng đồng cùng chung tay chống dịch Corona (COVID-19).

Các tìm kiếm liên quan đến hướng dẫn rửa tay đúng cách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.